Để ăn mừng, kỷ niệm một năm mới đến, Việt Nam tổ chức Tết Nguyên đán, Mông Cổ diễn ra Tsagaan, còn người Thái Lan làm lễ té nước Songkran.
Khám phá, Tham quan
Việt Nam
Tết Nguyên đán là buổi sáng ngày đầu tiên theo lịch âm của Việt Nam. Lễ hội chào đón năm mới này thường kéo dài trong 3 ngày, là thời gian thích hợp cùng người thân và bạn bè tụ họp, ăn uống, mua sắm những thứ mới, trang hoàng nhà cửa.
Trung Quốc
Tết của Trung Quốc còn được biết tới như lễ hội mùa xuân, khi tổ chức vào ngày đầu tiên của năm mới theo lịch của nước này. Lễ hội thường có nhiều hoạt động văn hóa như múa lân, rồng, đốt pháo… Nhà cửa, đường phố đều được trang trí bằng màu đỏ. Ngày lễ diễn ra vào khoảng giữa của tháng 1 và 2 hàng năm.
Hàn Quốc
Lễ hội năm mới của người Hàn Quốc gọi là Seollal, rơi vào ngày đầu tiên trong năm theo lịch âm. Suốt 3 ngày diễn ra Seollal, mọi người có thể về thăm quê, dành thời gian cho gia đình. Mọi người cùng nhau đi thăm những cung điện và làng cổ.
Mông Cổ
Lễ mừng năm mới của người Mông Cổ gọi là Tsagaan, kéo dài khoảng 15 ngày. Mọi người trong gia đình được họp mặt, tổ chức bữa ăn sum vầy với thịt cừu, bánh quy, airag (sữa non của ngựa) và bánh bao.
Tây Tạng – Nepal – Bhutan
Lễ hội mừng năm mới ở các nước Tây Tạng, Nepal, Bhutan gọi là Losar, diễn ra vào ngày đầu tiên của năm theo lịch riêng. Losar tập trung vào các hoạt động tạo hòa khí, xua đuổi những điều tiêu cực của năm cũ cũng như làm sạch mọi thứ để đem điều tốt đẹp tới.
Campuchia
Chaul Chnam Thmey là tên lễ hội năm mới của người Khmer ở Campuchia tổ chức ngày 13 – 14/4 khi vừa kết thúc mùa thu hoạch. Nhiều hoạt động diễn ra như các thành viên trong gia đình và bạn bè tặng quà cho nhau, lễ tắm đặc biệt cho tượng Phật có sự tham gia của cả sư, người già, cha mẹ… gọi là Pithi Srang Preah.
Lào
Pi Mai Lao là Tết ở Lào, lễ hội này diễn ra ngày 14/4. Đây là ngày trước năm mới của người Lào, ngày để làm mới lại hình ảnh Phật bằng việc lau dọn, tưới tắm, sơn sửa lại các đền chùa, nhà cửa.
Thái Lan
Songkran là lễ hội té nước đồng thời mừng năm mới của người Thái Lan, được tổ chức ngày 13 – 15/4. Đây là dịp để mọi người ra phố tham gia vào “cuộc chiến” với nước. Giống như ở nhiều nước láng giềng, người dân Thái Lan dịp này cũng tụ họp gia đình, thăm chùa chiền và dọn dẹp nhà cửa.
Myanmar
Thingyan là một dịp lễ khá tương đồng với các lễ hội Phật giáo của Lào, Campuchia hay Thái Lan. Trong suốt lễ hội này, bạn sẽ thấy dân địa phương đứng khắp các phố và té nước vào người qua đường, nhiều xe phun nước cũng xuất hiện.
Bangladesh – Ấn Độ
Pohela Boishakh gọi là lễ năm mới Bengali diễn ra ngày 14/4. Nhà cửa của người dân được dọn dẹp sạch sẽ để đón khách như họ hàng, bạn bè, hàng xóm… Dịp này cũng là thời điểm của nhiều hội chợ mua bán thực phẩm, hàng thủ công liên quan tới năm mới.
Sri Lanka
Người Sri Lanka gọi ngày lễ đón năm mới của họ là Aluth Avurudda (tháng của Bak) diễn ra vào tháng 4. Mọi người dọn dẹp, trang trí mới lại nhà cửa và tắm gội bằng những loại thảo mộc như một cách tẩy trần. Điều quan trọng của dịp này là người Sri Lanka dành nhiều thời gian cho gia đình mình.