Tết là dịp gia đình quây quần, đoàn tụ bên nhau sau những ngày làm việc vất vả. Với người Việt Nam, tết Nguyên đán là những ngày lễ lớn nhất trong năm. Trải qua bao nhiêu năm, những phong tục cổ truyền của người Việt vẫn giữ được những nét bản sắc dân tộc.
Khám phá, Giải trí, Mua sắm
Phong tục chúc tết, mừng tuổi
Chúc tết hay mừng tuổi là những phong tục từ lâu đời để mong muốn những điều tốt lành nhất sẽ đến với mọi người trong gia đình. Theo lệ, thường thì vào mùng 1 con cái chúc tết ông bà, cha mẹ. Ông bà, cha mẹ cũng chúc lại con cháu bằng một phong lì xì có tiền đi kèm với lời chúc hay ăn, chóng lớn. Tiền lì xì thường là những tờ tiền còn mới, vì người ta quan niệm rằng, năm mới cái gì cũng phải mới mẻ thì một năm sẽ gặp được nhiều điều may mắn đến.
Đi chợ Tết
Chợ Tết không giống với những phiên chợ ngày thường trong năm. Chợ Tết bao giờ cũng đông hơn, vui hơn, có không khí hơn. Người ta đi chợ Tết không chỉ để mua sắm mà còn để gặp gỡ, để tận hưởng cái không khí háo hức khi Tết đến. Mua sắm chuẩn bị cho ba ngày Tết thường không phải chỉ để “có cái ăn” mà đó là thói quen, làm dậy lên không khí ngày lễ hội. Chợ Tết được bố trí ở những bãi đất rộng, có thể chợ được thành lập ngay nơi chợ thường ngày vẫn diễn ra chuyện bán mua. Nhưng trong chợ Tết, gần như tất cả “món ngon vật lạ” đều được bày bán. Không khí Tết thấm đượm thật sự vào những ngày này bởi cảnh người mua hàng nặng trĩu giỏ.
Xin câu đối
Tết Để trang hoàng nhà cửa và để thưởng Xuân, trước đây từ các nho học cho tới những người bình dân “tồn cổ” vẫn rất trọng tục Tết đó là treo “câu đối đỏ”. Những câu đối này được viết bằng chữ Nho (màu đen hay vàng) trên những tấm giấy đỏ hay hồng đào cho nên thường được gọi chung là câu đối đỏ.
Xông đất mồng 1 Tết
Xông đất có thể là chọn người từ trước và người được chọn sẽ đến vào lúc sớm nhất trong năm. Xông đất được tính từ lúc sáng sớm (mặt trời hé rạng) và trong ngày mồng một. Người kỹ tính không đến thăm nhà khác vào ngày mồng một, nhất là người còn để tang người thân. Cũng có người chọn sự ngẫu nhiên trong việc xông nhà để chiêm nghiệm trong năm.
Gói bánh chưng, bánh tét
Phải là những người có bàn tay khéo léo mới gói được, nếu không bánh sẽ nứt góc khi luộc. Đây cũng là nét văn hóa cộng đồng cao khi người này nhờ người kia gói bánh. Luộc bánh chưng là công đoạn được nhiều người thích nhất. Đêm những ngày gần Tết, trời se lạnh mà ngồi chờ đợi bên nồi bánh chưng thì còn gì thú bằng.
Bánh chưng là một phong tục có từ nền văn minh lúa nếp (không đơn giản là lúa nước). Lúa nếp chỉ tìm thấy dấu vết cổ xưa ở đồng bằng sông Hồng và gắn với câu chuyện bánh chưng, bánh dầy từ thời vua Hùng thứ 18 khi kén phò mã. Ngày nay bánh chưng bánh tét vẫn là phong tục thưởng thức ẩm thực Tết vô cùng đẹp của dân tộc ta.
Xuất hành và hái lộc ngày Tết
“Xuất hành” là đi ra khỏi nhà trong ngày đầu năm để đi tìm cái may mắn cho mình và gia đình. Trước khi xuất hành, người ta phải chọn ngày, giờ và các phương hướng tốt để mong gặp được các quý thần, tài thần, hỉ thần… Nếu xuất hành ra chùa hay đền, sau khi lễ bái, người Việt còn có tục bẻ lấy một “cành lộc” để mang về nhà lấy may, lấy phước. Đó là tục “hái lộc”. Cành lộc là một cành đa nhỏ hay cành đề, cành si… là những loại cây quanh năm tươi tốt và nẩy lộc. Tục hái lộc ở các nơi đền, chùa ngụ ý xin hưởng chút lộc của Thần, Phật ban cho nhân năm mới. Cành lộc thường đem về cắm ở bàn thờ.
Theo mecuteo