Người miền Bắc đón Tết trong tiết se lạnh, xuân về Tết đến mang không khí ấm áp tràn muôn nơi. Những ngày Tết, người miền Bắc quan trọng hơn cả là mâm cỗ cúng gia tiên. Không chỉ đa dạng về món ăn, hình thức đẹp, mâm cỗ còn là niềm hi vọng về một năm mới may mắn.
Ẩm thực, Khám phá, Sự kiện
Chuẩn bị mâm cỗ Tết thịnh soạn
Dù gia đình còn nhiều thiếu thốn đến đâu, người Việt cũng cố gắng vun vén cho một cái Tết trọn vẹn nhất “vui ba ngày Tết”. Tết Nguyên Đán là khởi đầu cho một năm mới, mâm cỗ Tết thịnh soạn dành để tưởng nhớ ông bà tổ tiên, mong tổ tiên phù hợp cho một năm mới viên mãn, sức khỏe và hạnh phúc.
Người Hà Nội rất tôn trọng các giá trị truyền thống, mâm cỗ Tết miền Bắc nói chung và ở Hà Nội nói riêng thường rất bài bản, tuân theo các nguyên tắc từ xa xưa. Một mâm cỗ thường có 4 bát, 4 đĩa tượng trưng cho tứ trụ, bốn mùa và bốn phương. Cỗ lớn thì 6 bát 6 đĩa hoặc 8 bát 8 đĩa tượng trưng cho phát lộc, phát tài. Có khi mâm cỗ lớn phải xếp cao đến 2, 3 tầng. Cỗ ngày xưa phải bày lên mâm gỗ hoặc mâm đồng, đi cùng với bát chiết yêu và đĩa cây mai.
Mâm cỗ Tết miền Bắc rất bài bản
Bốn bát gồm một bát chân giò lợn hầm măng lưỡi, một bát bóng thả, một bát miến và một bát mọc nấm thả. Ngoài ra, nhiều gia đình còn chuẩn bị thêm một bát su hào thái chỉ ninh kỹ, một bát chim hầm để nguyên cả con, một bát gà tần hay nhiều gia đình giàu có xưa còn bày thêm bào ngư, vi cá để mâm cỗ thêm đầy đặn, sang trọng.
Bốn đĩa gồm một đĩa thịt gà, một đĩa thịt lợn, một đĩa giò lụa, một đĩa chả quế. Thậm chí nhiều gia đình còn bày thêm đĩa thịt đông – món ăn đặc trưng cho những ngày lạnh miền Bắc, đĩa giò thủ, đĩa xào hạnh nhân, đĩa cá kho riềng, đĩa nộm su hào hoặc nộm rau cần và nem rán. Món tráng miệng có mứt sen, mứt quất, mứt gừng, chè kho… Tuy là nhiều món nhưng mỗi món chỉ bày vào một bát hay đĩa nhỏ nên mâm cỗ Tết vừa đa dạng, hài hòa, lại đẹp mắt.
Mâm cỗ Tết trọn vẹn ý nghĩa đoàn viên
Ngoài ra, mâm cỗ Tết đầy đủ không thể thiếu được bánh chưng, xôi gấc và đĩa dưa hành nén. Chính vì thế nên mỗi độ Tết đến xuân về lòng người lại xốn xang rạo rực với:
“ Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo bánh chưng xanh”
Ngày nay, cuộc sống bận rộn, các nét truyền thống dù không bị mất đi nhiều nhưng cũng dần thay đổi hợp với xu hướng hiện đại. Mâm cỗ Tết ngày nay không chỉ có những món thuần Việt mà còn du nhập thêm các món ăn từ nền văn hóa khác. Nhưng những món ăn chính như bánh chưng, dưa hành, giò lụa, giò thủ, nem, nộm su hào, canh bóng bì, canh măng chân giò, miến nấu và một đĩa xào… vẫn luôn đủ đầy, để tiếp nối giá trị ngàn năm, để mâm cỗ Tết trọn vẹn ý nghĩa đoàn viên, may mắn.
Theo PLXH