Nếu bạn còn băn khoăn không biết có nên đến Hà Nội vào thời gian này hay không thì 5 lý do dưới đây sẽ tiếp cho bạn thêm động lực.
Khám phá, Giải trí, Tham quan
Thời tiết ấm áp
Thời tiết của Hà Nội có 4 mùa rõ rệt, trong đó mùa thu và mùa xuân là thời điểm phù hợp nhất để đi du lịch. Nếu Hà Nội mùa đông lạnh cắt da cắt thịt, mùa hè thì trời oi bức và nóng nực, mùa thu bảng lảng những cơn gió heo may se lạnh thì mùa xuân lại có những cơn mưa phùn lây rây làm nao nao lòng người.
Người ta vẫn thường nói thích Hà Nội nhất khi thu về, vì khi ấy Hà Nội là của hương hoa sữa, những con đường ngập lá vàng rơi, bầu trời xanh ngắt, nắng hanh vàng và gió heo may se lạnh… Nhưng với nhiều người lại thích Hà Nội khi xuân tới.
Nếu ghé thăm Hà Nội vào mùa xuân, bạn nên mặc thêm áo dài tay hoặc đem theo áo khoác nhẹ để tránh bị ho nhé!
Những làng hoa xuân đẹp ngẩn ngơ
Nói đến thú chơi hoa Tết, có lẽ không đâu sánh bằng Hà Nội. Con người Hà thành hào hoa tao nhã và mang nét thanh lịch của đất kinh kỳ nên thú chơi của họ cũng rất công phu. Xuân về, người Hà Nội thường rủ nhau đến những làng hoa quanh thành phố để thưởng lãm.
Nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 20 km, làng Tây Tựu (Từ Liêm) có nghề trồng hoa lâu đời, hàng năm cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước trên 250 triệu bông hoa. Tây Tựu nổi bật với những cánh đồng trồng hoa cúc vàng rực rỡ, xen lẫn cúc chi và hoa hồng, hoa đồng tiền. Vào ngày giáp Tết, đồng hoa violet tím, hoa layon, hoa thược dược lại có dịp khoe sắc trong tiết trời lạnh giá.
Làng đào Nhật Tân nổi tiếng từ lâu với giống đào bích cho hoa đẹp, nở đều, sắc thắm… Những ngày này, vườn đào lại tấp nập, rộn ràng hơn bởi nhiều bạn trẻ đến ngắm hoa hay chụp ảnh bên gốc đào tươi thắm. Những tà áo dài thướt tha, đèn lồng, lì xì, câu đối đỏ cùng sắc màu của các loài hoa trong vườn đào khiến người người, nhà nhà cảm nhận rõ nét hơn không khí xuân rộn ràng đang đến gần.
Hoa đào khoe sắc trên từng con phố
Tháng giêng, hoa đào đón xuân cùng hoa mùi già ngan ngát. Những cánh hồng yêu kiều mỏng manh trong làn mưa bụi khiến lòng người chợt thấy nao nao. Hoa đào đủ loại len lỏi trên những con phố, như mang mùa xuân về từng ô cửa, từng mái nhà.
Tết càng đến gần mà thiếu đi những cành đào thì khí xuân cũng vợi mất một nửa. Theo chân mùa xuân, những cành đào đầu tiên cũng đã có mặt trên những chiếc xe đạp cũ kỹ. Hình ảnh đó gợi về một Hà Nội xa xăm, một Hà Nội rất đỗi bình yên, dịu dàng.
Hoa ban, hoa sưa lãng mạn
Khi những cánh đào rụng xuống là lúc những tán hoa sưa li ti bắt đầu nở rộ và phủ trắng những tán cây xanh mướt. Bất chợt một ngày đi trên phố, bạn nhận ra hàng cây vẫn đứng lặng thầm suốt mùa đông khoác một tấm áo trắng xóa, đấy là mùa xuân đã gọi hoa sưa về. Trên các con phố như Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Bưởi… vào mỗi độ tháng 3, hoa sưa nở trắng trời tạo nên khung cảnh vô cùng quyến rũ.
Xuân về, đường phố Hà Nội bỗng trở nên thơ mộng hơn bởi sắc màu của hoa ban tím. Thời tiết Hà Nội những ngày này ẩm ương, nồm và thất thường như con gái vậy. Những lúc ấy chỉ thèm ngủ vùi dưới một hàng ban tím để thấy tâm hồn thật bình yên.
Mùa xuân – mùa lễ hội
Hà Nội – mảnh đất văn hiến ngàn năm lịch sử, nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hoá sẽ diễn ra hàng trăm lễ hội lớn nhỏ khi xuân về. Đây cũng là thời điểm Hà Nội thu hút hàng triệu lượt khách du lịch.
Hàng loạt lễ hội truyền thống sẽ được tổ chức để tưởng nhớ những nhân vật truyền thuyết, lịch sử như: Lễ hội gò Đống Đa (mùng 5 tháng Giêng) được tổ chức để tưởng nhớ tới công tích lẫy lừng của Vua Quang Trung – người anh hùng kiệt xuất trong lịch sử chống giặc Thanh của dân tộc, lễ hội đền Sóc (6-7 tháng Giêng) thờ Thánh Gióng – vị thánh có công đánh đuổi giặc Ân, hội đền Hai Bà Trưng (mùng 6 tháng Giêng) tưởng nhớ công lao của hai Bà Trưng phát động khởi nghĩa nhằm đánh đuổi giặc Đông Hán, lễ hội Cổ Loa (6-8 tháng Giêng) tưởng nhớ Thục Phán An Dương Vương – người được Vua Hùng thứ 18 nhường ngôi…
Đặc biệt, lễ hội Chùa Hương là lễ hội kéo dài thời gian nhất ở nước ta. Du khách đến đây không chỉ cầu phúc, cầu may, mà còn được thăm thú cảnh đẹp chốn bồng lai tiên cảnh, non nước hùng vĩ, sông suối nên thơ, hang động kỳ thú.
Ngoài ra, nhiều lễ hội làng vùng ngoại thành Hà Nội cũng sẽ là điểm đến hấp dẫn của du khách như lễ hội chùa Thầy, hội chùa Trăm Gian, Tây Phương, lễ hội làng Sơn Đồng (Hoài Đức), làng gốm (Bát Tràng), làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông)…
Theo Timeout Vietnam