Vào mỗi dịp đầu Xuân, các điểm du lịch mang yếu tố tâm linh thường thu hút lượng khách du lịch rất lớn. Chùa Hương – Hà Nội cũng là nơi đón tiếp hơn 1 triệu lượt khách mỗi dịp khai hội.
Tín ngưỡng, Tham quan
Chùa Hương
Chùa Hương là một quần thể kiến trúc rải rác trong thung lũng Suối Yến do đó có 2 tuyến hành hương chính là tuyến Hương Tích và tuyến Tuyết Sơn. Các tuyến nhỏ khác như: tuyến Thanh Sơn, tuyến Long Vân,… nếu có thời gian thì các bạn tìm hiểu thêm nhé.
Phương tiện di chuyển chính trong thung lung Suối Yến là: đò chở khách và đi bộ. Đò chở khách đưa du khách tới bến và từ bến du khách đi theo các đường núi để leo tới các chùa, các động.
Đền Trình
Đền Trình hay còn có tên chữ là Ngũ Nhạc Linh Từ, là ngôi đền nhỏ nằm ngay bên phải của dòng Suối Yến cách bến đò Yến Vĩ (bến Đục) khoảng 500m thuộc tuyến du lịch chính đi vào chùa Thiên Trù và động Hương Tích. Cái tên Đền Trình khiến chúng ta nghĩ ngay tới việc trình bày, báo cáo. Đúng vậy, đó là thờ các vị sơn quân canh rừng núi, giữ cửa Chùa, ai vào Chùa phải tới đấy trình diện trước và là một thủ tục ít ai bỏ qua khi tới Chùa Hương.
Sau khi dâng lễ ở Đền Trình, đò sẽ đưa du khách đi qua cầu Hội và các ngọn núi với tên gọi lạ lẫm như: núi Đổi Chèo, núi Voi Phục, núi Mâm Xôi vào thẳng bến đò Thiên Trù – điểm bắt đầu của hành trình leo núi. Nếu khéo gợi chuyện, bạn sẽ được những người lái đò vui tính kể tường tận từng địa danh, câu chuyện gắn liền với danh thắng Chùa Hương. Như vậy, quãng thời gian 1 tiếng đồng hồ đi đò sẽ ngắn đi rất nhiều đó. Bạn cũng đừng quên bỏ đồ ăn để tranh thủ nạp năng lượng trước khi leo núi nhé.
Động Hương Tích
Động Hương Tích cách bến Thiên Trù hơn 2000 mét, với độ cao 390m, đuợc coi là trung tâm của khu thắng cảnh chùa Hương, và là đích dừng chân của mọi du khách khi về đây. Mọi người thường nói: hễ ai đi chùa Hường mà chưa vào động Hương Tích thì coi như chưa đi đến nơi.
Tới động Hương Tích bạn chuẩn bị 1 mâm lễ nhỏ để dâng vào ban thờ chính phía trong cùng nếu đông quá thì đành lễ từ xa vậy, sau đó đi thăm Núi Cô, Núi Cậu, Cây Vàng, Cây Bạc, đụn gạo, đụn tiền, bầu sữa mẹ,… mất thời gian khoảng 30 – 45 phút tuỳ mật độ người trong động, nhiều khi chen chân nhích từng cm luôn.
Chùa Thiên Trù
Chùa Thiên Trù toạ lạc trên thềm núi Lão, được xây dựng từ đời Vua Lê Thánh Tông (1460 – 1497). Theo một số sử ký còn lưu lại có chuyện kể rằng trong một chuyến tuần thú phương nam lần thứ hai, Vua Lê Thánh Tông cùng tướng sĩ qua vùng núi Hương Sơn nghỉ lại ở thung lũng núi Lão và cho quân lính thổi cơm ăn. Trong lúc thưởng ngoại cảnh sắc thiên nhiên, Vua xem thiên văn thấy vùng này ở vào vị trí của sao Thiên Trù (= Bếp trời: một chòm sao chủ về ăn uống) nên nhân đấy nhà Vua đặt tên cho thung lũng này là Thiên Trù.
Tiếp tục xuôi xuống núi quay trở về Chùa Thiên Trù, tại đây bạn có thể dâng thêm 1 lễ nửa ở ban chính và đi các ban, đứng trên các bậc đá của chùa Thiên Trù để vãn cảnh chùa, chụp ảnh kỷ niệm.
Động Tiên Sơn
Động Tiên Sơn nằm lưng chừng núi Thanh Long, đến lưng chừng núi sẽ nhìn thấy cổng tam quan nổi lên bên sườn núi vút cao như sắp bay lên. Qua cổng vào sâu bên trong du khách sẽ nhìn thấy một toà lâu đài nho nhỏ tráng lệ dưạ vào vách núi.
Nếu bạn muốn đi Động Tiên Sơn thì hãy nhớ Động Tiên Sơn ở phía bên trái trên đường từ Động Hương Tích, Chùa Giải Oan xuống chùa Thiên Trù. Để lên Động Tiên Sơn bạn cần leo khoảng 200m bậc thang khá cao và dốc. Nhưng lên chùa bạn sẽ được thưởng lãm cảnh đẹp, địa thế và nhiều nhũ đá rất đẹp như: bàn tay phật , ngà voi trắng, trái tim, khánh đá, chiêng đá khi gõ vào phát ra những âm thanh như tiếng nhạc cụ thực thụ.
Động Hinh Bồng
Nếu như bạn cảm thấy ngột ngạt và choáng ngợp ở động chính (động Hương Tích) thì khi tới Hinh Bồng bạn sẽ có cảm giác thoáng đãng, thư thái hơn. Đường đến động Hinh Bồng bắt đầu từ cổng Chùa Thiên Trù và được nhận xét là khá cao và dốc. Do vậy, số lượng người tới động cũng ít hơn nên cũng sẽ ít rác hơn so với đường lên động chính.
Trên đường đến Hinh Bồng, chắc hẳn sẽ có lúc bạn thầm cảm phục những người đã mở đường đặt từng viên đá, bậc thang ở đây. Biết bao nhiêu công sức để phát rừng, mở đường, đục đá xếp bậc, làm đường đi dài hun hút, cheo leo quanh núi, rồi lại bao nhiêu công để vận chuyển gạch ngói, vôi muối để xây lên chùa dựng lên tháp, thế mới biết sức lực và khả năng của con người là vô hạn.
Theo Baynhe