Gần Tết, hãy ghé các làng hoa nổi tiếng ở Hà Nội và vùng lân cận như Nghi Tàm, Tây Tựu, Mê Linh, Liên Mạc, Xuân Quan để ngắm nhiều loài hoa đẹp và chụp ảnh.
Khám phá, Tham quan, Sự kiện
Cứ mỗi nǎm, khi gần đến Tết Âm lịch, các ngả đường Hà Nội lại tấp nập những gánh hoa, xe hoa đua sắc. Hoa tươi từ các làng hoa ở Hà Nội và vùng ven như Nghi Tàm, Tây Tựu, Mê Linh, Liên Mạc, Xuân Quan luôn tấp nập mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
1. Làng hoa Tây Tựu
Làng hoa Tây Tựu thuộc quận Bắc Từ Liêm, cách trung tâm thành phố Hà Nội gần 20 km, có nghề trồng hoa lâu đời. Cứ đầu tháng 10 Âm lịch hàng năm, người dân xã Tây Tựu lại tất bật chuẩn bị cho một mùa hoa Tết. Nhiều nhất ở đây là hoa cúc. Đến đây bạn sẽ ngợp bởi những cánh đồng hoa cúc trải dài vàng rực rỡ, xen lẫn cúc chi và hoa hồng, hoa đồng tiền. Ngoài hoa cúc, vào ngày giáp Tết, những đồng hoa violet tím, hoa lay ơn, hoa thược dược khoe sắc trong tiết trời xuân sẽ khiến không khí Tết càng gần, càng rõ.
Chỉ dẫn đường đi: Đi thẳng hướng đường Hồ Tùng Mậu (đường nối tiếp của Cầu Giấy – Xuân Thủy) rồi đến đường 32, tới ngã tư Trạm Trôi nơi có Cao Đẳng Công nghiệp thì bạn rẽ phải, đi chừng 2 km là đến. Bạn sẽ thấy hai bên đường là những cánh đồng hoa trải rộng khắp. Làng Tây Tựu nằm ngay bên chợ hoa Tây Tựu, tiếp giáp mặt đường.
2. Làng hoa Liên Mạc
Liên Mạc là một làng cách trung tâm Hà Nội chừng 12 km, hướng cầu Thăng Long, nằm ven sông Hồng mang phong cách đặc trưng Đồng bằng Bắc Bộ. Một ngôi làng thanh bình, nguồn sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Trong thời gian gần đây, một nghề mới được dân làng phát triển mạnh đó là trồng hoa. Nằm sát với làng hoa Tây Tựu nên người dân xã Tây Tựu thuê thêm ruộng của Liên Mạc để chuyên canh hoa. Do vậy đây cũng là một vựa hoa không kém gì Tây Tựu, không chỉ thế, làng còn trồng nhiều bưởi Diễn. Tại làng còn có những vườn ươm cây cảnh lớn như hoa ban, dừa mỹ…
Chỉ dẫn đường đi: Từ trung tâm thủ đô, đi theo đường Âu Cơ đến chân cầu Thăng Long, đi tiếp theo triền đê qua đình Vẽ, rồi đình Chèm, bạn sẽ gặp cầu bắc qua kè đập, đi qua cầu chừng 2 km theo triền đê bạn sẽ thấy cổng làng Liên Mạc ngay bên trái đường phía dưới đê.
3. Làng hoa Mê Linh
Không lâu đời như làng hoa Nhật Tân, song làng hoa Mê Linh được nhiều người biết đến bởi đây là nơi cung cấp hoa chủ yếu cho Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc vào các dịp lễ. Nghề trồng hoa bén duyên trên đất này đã hơn 10 năm nay. Đất ở đây thích hợp nhất để trồng hồng. Vào những đêm thời tiết sương giá, vườn hoa Mê Linh tuyệt đẹp dưới ánh sáng của hàng trăm ngọn đèn được thắp chạy khắp cánh đồng, tạo nên một khung cảnh đặc biệt. Những bóng đèn có tác dụng ủ ấm cho nụ hồng. Hoa sẽ được mang bán đúng dịp Tết.
Chỉ dẫn đường đi: Làng hoa nằm cách trung tâm thành phố 30 km, gần sân bay Nội Bài. Bạn có thể chạy xe máy hoặc đi xe buýt số 7. Từ trung tâm thủ đô bạn đi theo qua cầu Thăng Long đi đến cầu vượt vào khu công nghiệp Thăng Long, rẽ vào đường vào khu công nghiệp nhưng không vào bên trong khu mà đi tiếp chừng 5km sẽ đến làng hoa Mê Linh. Bạn cũng sẽ thấy ngay những ruộng hoa bạt ngàn hai bên đường.
4. Làng hoa Nhật Tân
Làng Nhật Tân có kỹ thuật trồng hoa đào đạt đến trình độ điêu luyện, không đâu có thể làm được. Ngoài hoa đào, người dân ở đây còn trồng nhiều loại hoa khác nên không gian ở nơi đây tràn ngập màu xanh non mướt mát của hoa cỏ. Đặc biệt tới gần Tết, Nhật Tân tràn ngập màu đỏ hồng tươi tắn của hoa đào tạo nên một cảnh sắc mang đậm không khí Xuân về. Bên cạnh hai loài hoa của mùa xuân, làng còn trồng nhiều thửa hoa cúc, hoa bướm, hoa bách nhật, phục vụ nhu cầu chụp ảnh đám cưới của giới trẻ và hoa tươi hàng ngày ngoài thị trường.
Chỉ dẫn đường đi: Đến tham quan làng hoa Nhật Tân, du khách có rất nhiều cách. Cách thứ nhất phổ biến nhất là đi dọc theo bờ đê Nghi Tàm đến chợ hoa Quảng An rẽ vào rồi đi qua nghĩa trang làng là đến. Cách thứ 2 đi qua Ủy ban nhân dân phường Nhật Tân rẽ vòng lại sẽ thấy tấm biển đá đề tên Làng hoa Nhật Tân.
5. Làng hoa Xuân Quan
Hiện xã Xuân Quan Văn Giang – Hưng Yên có tổng diện tích đất canh tác gần 200 ha nằm toàn bộ phía ngoài đê. Tại xã có trên 200 hộ nông dân tham gia sản xuất hoa, cây cảnh các loại với tổng diện tích gần 90 ha. Các loại hoa, cây cảnh được trồng chủ yếu gồm: hoa truyền thống (hoa hồng, hoa cúc, đồng tiền, thược dược…), hoa chất lượng cao (hoa ly, lan hồ điệp, lan vũ nữ, phong lan, địa lan…), hoa giỏ treo (hoa pháo, dạ yến thảo, ngọc thảo, cẩm chướng lùn, hoa cát tường…), cây trải thảm, cây công trình (đào tiên, lộc vừng…).
Chỉ dẫn đường đi: Bạn có thể đi qua cầu Chương Dương, Vĩnh Tuy hoặc Thanh Trì rồi men theo triền để để đến làng gốm Bát Tràng, nhưng không rẽ vào làng gốm Bát tràng mà đi tiếp qua cầu Bắc Hưng Hải. Qua cầu chừng 2 km, bạn sẽ thấy rất nhiều biển báo. Làng hoa nằm ngoài đê sông Hồng, dễ dàng nhận ra bởi những mái che nilon ngay đầu làng.
Bài và ảnh: Lê Bích