Thời điểm cuối năm, thị trường đất nền khu vực lân cận khu công nghệ cao Hòa Lạc vẫn như quả bóng tiếp tục được bơm căng, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư.
Chỉ cần gõ từ khóa “đất nền Hòa Lạc” hay “đất nền cạnh khu công nghệ cao” và đăng ký vào một số mẫu cung cấp thông tin, nhà đầu tư ngay lập tức nhận được những cuộc điện thoại “chào hàng” các dự án đất nền tại khu vực lân cận khu công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc thuộc các xã của huyện Quốc Oai và Thạch Thất.
Những lời quảng cáo như thời điểm “vàng” để xuống tiền hay “đừng để phải hối hận khi bỏ qua cơ hội có 1 không 2” để sở hữu đất nền “full thổ cư”, tiềm năng tăng giá cao,… với giá chưa đến 1 tỷ đồng dễ dàng làm “mủi lòng” những nhà đầu tư trong thời điểm lãi suất ngân hàng xuống thấp và việc kinh doanh đình trệ do dịch bệnh.
Khảo sát thực tế cho thấy, giá đất nền phân lô tại các địa phương lân cận khu CNC Hòa Lạc như các xã Bình Yên (Thạch Thất), Phú Mãn (Quốc Oai) đã bị đẩy lên mức khá cao.
Quảng cáo đất nền Hòa Lạc xuất hiện “dày đặc” trên mạng
Anh Tâm, một môi giới “không chuyên” cho biết, sau đợt báo chí rầm rộ đưa tin về việc sốt đất Đồng Trúc và một số “tập đoàn to” dừng đầu tư dự án thì không khí mua bán đất nền tại đây có trầm xuống.
Tuy nhiên, theo anh Tâm, càng về thời điểm cuối năm, các “chủ đầu tư” phân lô đất nông thôn lại liên tục “ra hàng” còn các sàn môi giới mới được khai sinh đăng quảng cáo liên tục trên các trang mạng, facebook, zalo… để bán hàng, kiếm phần trăm và tiền chênh lệch.
Theo ghi nhận, đất ở nông thôn tại các khu vực này vốn chỉ có giá từ 5-6 triệu đồng cho thửa có vị trí đẹp, thuận tiện giao thông thì nay được phân lô ra và rao bán với giá trên 10 triệu đồng/m2. Cá biệt, có “dự án” tại thôn Linh Sơn (xã Bình Yên) được đẩy lên mức 25 triệu đồng/m2 mà theo các nhà môi giới cả không chuyên và bán chuyên là không có hàng để bán.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, giá đất các vùng ven tăng cũng là theo xu thế đi lên của thị trường, tuy nhiên nếu tăng một cách quá mức, nhiều lần trong thời gian ngắn mà không đi kèm với sự phát triển của hạ tầng tương xứng thì là dấu hiệu của việc đầu cơ, thổi giá và người cầm “hòn than” cuối cùng sẽ bị “bỏng tay”.
Các “dự án” đất nền Hòa Lạc hiện chủ yếu là theo kiểu tự phân lô đất nông thôn
Bên cạnh thông tin một “ông lớn” bất động sản đã công khai dừng kế hoạch phát triển 02 dự án đô thị lớn tại Thạch Thất thì các dự án hạ tầng như tuyến đường sắt số 5 (Văn Cao – Hòa Lạc) hay quy hoạch dự án sân bay Hòa Lạc… đều là những câu chuyện của tương lai, ít nhất là từ 3-5 năm tới.
Về nguy cơ của việc sốt nóng khá bất thường này, ông Đính cũng cho rằng ngoài việc “bỏng tay” của nhà đầu tư cuối sóng thì cũng tiềm ẩn nguy cơ làm méo mó môi trường thu hút đầu tư của các địa phương khi giá đất bị đẩy lên quá cao khiến các doanh nghiệp “sợ” khi giải phóng mặt bằng nếu triển khai dự án.