Không chỉ riêng phương Tây, người châu Á cũng có nhiều quan niệm về món ăn may mắn. Những món ăn này đặc biệt được dùng trong những ngày đầu năm mới.
Ẩm thực, Nhà hàng
Việt Nam
Người Việt Nam có một loại bánh không thể thay thế trong mỗi dịp năm mới là bánh chưng. Người Việt cũng đón Tết dương lịch nhưng dịp Tết quan trọng nhất năm là những ngày đầu năm mới theo âm lịch, hay Tết âm lịch. Trong dịp Tết, chiếc bánh chưng là món ăn để bày tỏ lòng biết ơn với gia tiên và là truyền thống đã tồn tại hàng nghìn năm tại nước Việt.
Trước kia, người Việt gìn giữ thói quen làm và nấu bánh chưng tại nhà. Quá trình nấu bánh mất nhiều thời gian, cả gia đình sẽ quây quần bên nồi bánh chưng, vừa trông bánh, vừa hàn huyên tâm sự, ôn lại những kỉ niệm trong năm cũ và những mong ước cho năm mới. Ngày nay, nhịp sống hiện đại khiến nếp sinh hoạt đó bị hao mòn, nhiều gia đình không còn luộc bánh chưng mà chọn mua sẵn. Mặc dầu vậy, trong bất cứ bàn thờ gia tiên nào ngày Tết cũng không thể thiếu chiếc bánh chưng. Tại miền Trung, miền Nam Việt Nam, ngoài bánh chưng, người ta còn gói bánh tét. Bánh tét có nguyên liệu tương tự bánh chưng nhưng có hình tròn.
Trung Quốc
Người Trung Quốc cũng đón Tết theo âm lịch, dịp lễ Tết âm lịch tại Trung Quốc kéo dài trên 10 ngày cùng nhiều hoạt động lớn. Bữa tối đầu năm mới là bữa ăn quan trọng nhất trong cả năm với người Trung Quốc. Trong bữa tiệc trọng đại này, mọi thành viên trong gia đình đều phải có mặt. Đây là dịp để những người xa nhà tìm về đoàn tụ, các thế hệ tề tựu sum vầy. Món ăn may mắn trên bàn tiệc đầu năm của Trung Quốc có rất nhiều.
Thông thường, trên bàn tiệc sẽ có cá và bánh bao, hai món ăn mang ý nghĩa thịnh vương.Từ “cá” trong tiếng Trung Quốc phát âm gần giống với từ “dư” trong “dư thừa”. Đó là lý do tại sao cá trở thành món ăn may mắn trong ngày đầu năm của người dân nước này. Mì trường thọ hay bánh sủi cảo hình dáng giống quan tiền cũng được quan niệm là món ăn may mắn. Ngoài ra, tùy theo vùng miền mà các món ăn may mắn sẽ được thay thế.
Hàn Quốc
Người Hàn quốc cũng quan niệm năm mới là ngày đầu tiên của năm âm lịch. Đây cũng là dịp lễ quan trọng nhất trong năm.
Vào ngày đầu tiên của năm mới, mỗi người Hàn Quốc đều ăn một bát canh Tteokguk (gồm bánh Tteok làm từ bột gạo, nước xương bò hầm, thịt bò, hành hoa) để cầu mong một năm mới sức khỏe và trường thọ. Hình bầu dục và màu trắng của bánh Tteok còn tượng trưng cho sự trọn vẹn và thanh khiết của vạn vật trên thế gian vào ngày đầu tiên của năm mới. Món canh được phục vụ tốt nhất với các món phụ có vụ cay như kim chỉ cải thảo hoặc kim chỉ củ cải trắng.
Nhật Bản
Trước đây, Nhật Bản ăn Tết theo Âm lịch nhưng đã chuyển sang ăn Tết theo Dương lịch kể từ năm 1873. Những hoạt động chào năm mới tại Nhật Bản cũng rầm rộ và đậm bản sắc không kém các lễ hội năm mới tại bất kì quốc gia Châu Á nào.
Trong bữa ăn đầu tiên chào năm mới, người Nhật không thể thiếu chiếc bánh kagamimochi – món ăn ý nghĩa trong những ngày đầu năm mới, là một cách để người dân Nhật thể hiện sự kính trọng đối với đấng thần linh. Ăn bánh là để cầu chúc cho một năm sức khoẻ và tràn đầy may mắn.
Người Nhật cũng ưa chuộng các món ăn từ đậu đen và các loại hải sản. Họ tin rằng nếu ăn cá vào đầu năm, đầu óc sẽ trở nên thông minh, sáng suốt và linh hoạt hơn. Ngoài ra, họ còn ăn mì soba với sợi dài và dai, biểu tượng cho sự trường thọ và may mắn. Người Nhật tin rằng, các sản phẩm được làm từ gạo là món ăn gốc để làm nên cội nguồn thành đạt ở mỗi con người.
Lào
Người Lào đón năm mới vào dịp Tết riêng, gọi là Songkran hoặc Pii Mai, được tổ chức từ ngày 14-16/4 hàng năm.
Món ăn may mắn không thể thiếu trong dịp Tết của người Lào là món lạp. Theo tiếng Lào, lạp có nghĩa là lộc, nghĩa là món ăn sẽ mang tới tài lộc dồi dào cho người thưởng thức. Lạp được làm từ thịt gà hay thịt bò tươi, ăn kèm cơm nếp. Các gia đình nấu món lạp không chỉ để thưởng thức mà còn để mang biếu tặng, những mong tài lộc dồi dào đến với những người thân thiết của mình.
Ấn Độ
Người Ấn Độ không ăn những món ngọt dịp đầu năm mà thay bằng các loại trái cây đắng, họ quan niệm vị đắng mới đem lại may mắn đầu năm.
Điều đặc biệt là gia vị đặc trưng của món ăn ngày Tết được nêm nếm gấp đôi ngày thường, vị cay sẽ thật cay còn bánh kẹo sẽ thật ngọt. Người Ấn tin rằng, các món ăn này sẽ đuổi được ma quỷ thường quấy quả họ trong công việc làm ăn. Họ cũng thường uống trà pha sữa trâu bò để mong năm mới ngọt ngào, suôn sẻ.