Những chiếc nồi đất Trù Sơn được làm hoàn toàn bằng tay chỉ với bàn xoay, vài miếng giẻ nhỏ và những khoanh nứa mỏng để tạo dáng, làm nhẵn.
Giới thiệu làng gốm cổ Trù Sơn
Để ghé thăm làng gốm cổ Trù Sơn cách thị trấn Đô Lương, tỉnh Nghệ An 20 km về phía đông nam, bạn đi từ đường 15 đến Mỹ Sơn, vượt đỉnh Cồn Nem.
Trù Sơn là làng gốm có một không hai bởi đây là nơi duy nhất còn làm ra các loại nồi bằng đất ở xứ Nghệ. Vì thế, ngoài tên Trù Sơn, nơi đây còn được gọi là làng “Nồi Đất”.
Công cụ làm gốm
Tất cả công cụ làm gốm chỉ bao gồm một bàn xoay, vài miếng giẻ nhỏ và những khoanh nứa mỏng để tạo dáng và làm nhẵn.
Để có đất thích hợp, dân làng phải vượt cả quãng đường dài 7-10 km xuống xã Nghi Văn, Nghi Lộc hoặc lên tận Sơn Thành, Yên Thành để lấy. Vất vả, cơ cực là vậy nên người dân nơi đây gọi là nghề “bán xương, nuôi thịt”.
Các công đoạn làm gốm
Đất sau khi lấy về được những người thợ nhồi kỹ cho lên bàn xoay để tạo ra hình dáng ban đầu của những chiếc nồi tròn trịa, đẹp mắt. Sau đó, qua bàn tay khéo léo, người thợ gọt lại cho thật trơn và đem đi phơi nắng, cuối cùng sẽ đưa vào lò nung.
Gốm Trù Sơn đều được làm thủ công
Các sản phẩm của làng gốm Trù Sơn đều được làm thủ công, yêu cầu sự khéo léo, điêu luyện, trong đó phần lớn công đoạn tạo thành sản phẩm đều do phụ nữ trong làng đảm nhận.
Nung gốm như thế nào ?
Để có mẻ gốm đạt chất lượng khâu quan trọng nhất là nung gốm, muốn gốm “chín” đều người thợ phải biết cách xem lửa và dừng đúng lúc.
Các sản phẩm của gốm
Để làm ra một chiếc nồi đất hoàn thiện đòi hỏi nhiều công đoạn tỉ mỉ, nhưng mỗi chiếc chỉ bán với giá 1.000 – 5.000 đồng. Tuy vậy, người làm gốm Trù Sơn bao đời nay vẫn duy trì nghề, tạo thêm thu nhập lúc nông nhàn.
Không cầu kỳ, tinh xảo như gốm sứ Bát Tràng hay Hội An thường được làm vật trang trí trong cung đình, gốm Trù Sơn lại phổ biến trong đời sống hàng ngày với các sản phẩm như nồi, siêu.
Theo VnExpress