Trên cung đường biển từ Phan Rang đi vịnh Vĩnh Hy, có một góc nhỏ ven bờ dường như đã ngủ quên giữa muôn trùng sóng biếc, đó là Hang Rái – quần thể đá san hô cổ ngàn năm.
Ga Tháp Chàm
Rời TP HCM bằng chuyến tàu lửa nửa đêm đến ga Tháp Chàm lúc bình minh vừa chớm rạng, chúng tôi thuê ba chiếc xe máy và bắt đầu hành trình hai ngày của mình ở xứ gió cát Phan Rang. Sau khi lót dạ buổi sáng bằng món cơm gà Khánh Kỳ trên đường Trần Quang Diệu – quán ngon trứ danh của vùng đất ít mưa nhất Việt Nam này, chúng tôi đến tháp Chàm Po Klong Garai, do Chế Mâ, vị vua cai trị đất nước Champa, xây vào nửa đầu thế kỷ 14.
Kiến trúc Chăm
9h, nắng chói chang rát da thịt, nhưng lại phủ lên danh thắng này một màu ráng vàng tuyệt mỹ. Đến đây, sờ chạm vào từng viên gạch của công trình cổ xưa thinh ngắt, được xếp vào hàng thượng thừa của nghệ thuật, kiến trúc Chăm, mà “lắng nghe” màu của thời gian, và chiêm nghiệm sự thăng trầm của lịch sử.Từ đồi Trầu, phóng mắt ngắm nhìn một góc thành phố từ đồi cao, sẽ khiến lòng người an yên kỳ lạ…
Biển Vĩnh Hy
Hành trình tiếp theo của chúng tôi là xuôi dọc đoạn đường biển tuyệt đẹp từ Phan Rang đi Vĩnh Hy. Hai bên đường xuyên qua xã Vĩnh Hải, giữa nắng trưa, là màu trắng lòa mắt của muối – những gò muối chất đống, bạc ngàn và đẹp tinh khôi. Muối mặn đồng và mặn cả vào mắt môi chúng tôi, những kẻ đang phơi mình giữa cung đường quanh co uốn lượn.
Những đàn cừu thong dong trên đồi loang loáng nắng
Hết muối là cừu và đá núi trên cao. Những đàn cừu thong dong trên đồi loang loáng nắng, khung cảnh nhìn thật thanh bình và vô âu.
Đường vào Hang Rái
Đường vào Hang Rái lúa vàng phủ lối, trời xanh cao ngút mắt người nhìn. Đó là một nơi có địa chất hết sức đặc biệt, là rạng san hô cổ hàng ngàn năm, do dịch chuyển địa tầng, nay trở mình lộ thiên giữa trời biển.
Những chỏm đá nhọn hoắt
Những chỏm đá nhọn hoắt vươn mình như những con sóng bạc, có thể làm bị thương bất kỳ gót mềm nào không cẩn trọng, cùng những khối lõm dị hình trông vô cùng thích mắt.
Một hốc nhỏ hình trái tim, ẩn mình trên nền đá
Giữa biển có “núi”, trong núi có “hồ”, cạnh hồ có sóng, là những gì tuyệt kỳ mà thiên nhiên đã ban tặng cho nơi đây. Hãy đến đây khi thủy triều lên nước, để sóng vỗ ập bờ, va mình vào ghềnh đá. Bạn sẽ như đang đứng trên một tảng đá trôi, khổng lồ, và vồng vềnh giữa sóng biếc, cảm giác ấy thật là kỳ lạ phải không.
Và cũng đừng quên tìm một hốc nhỏ hình trái tim, ẩn mình trên nền đá, và ước nguyện vài điều cho chuyện lứa đôi.
Bánh tráng nướng mắm ruốc
Trở về Ninh Chữ buổi xế chiều, bên cạnh các món hải sản thông thường của xứ biển, chúng tôi có dịp thưởng thức hai món vặt bên đường rất đỗi bình dị mà thật ngon lành, ăn hoài không chán, là bánh tráng nướng mắm ruốc dùng kèm nem chua nướng trên bãi biển; và món bánh căn trên đường Thống Nhất
Bánh căn
Gắp một khuông bánh bột gạo trứng vào chén, thêm chút xoài xanh chua chua bào sợi, chút ớt bằm cay, chút hành lá sống nồng, và tóp mỡ quyện chung miếng cá thu kho ngọt trong, rồi chan lên một muỗng mắm cá cơm sóng sánh đậm đà. Cắn một miếng, thấy hồn mình tràn ngập hương vị miền Trung…
Vườn nho
Sáng ngày thứ hai, cùng với vườn nho Ba Mọi như một điểm đến truyền thống, chúng tôi cũng ghé sang nhà lưu niệm làng Dệt Thổ cẩm Chăm – Mỹ Nghiệp, hay làng Gốm Bàu Trúc – nơi lưu giữ và tiếp truyền kỹ thuật làm gốm từ ngàn xưa của người Chăm. Xem các cụ già trổ tài trình diễn tuyệt kỹ, đi tay mềm mại để thổi hồn vào mảnh đất sét vô tri, các bạn sẽ càng thấy thêm yêu quê hương, yêu dân tộc mình biết mấy.
Cổng làng nghề gốm Bàu Trúc.
Gửi lại một chút yêu thương…
Chuyến tàu chiều đưa chúng tôi rời miền duyên hải trong ráng vàng hanh hút. Vậy là kết thúc hành trình rong ruổi. Tạm biệt Phan Rang, xứ sở của gió cát, nơi tâm hồn mình đã gửi lại một chút yêu thương…
Theo Zing News