Trong cuốn "The Banhmi Handbook" của tác giả Andrea Nguyen, những ai mê mẩn món ăn này sẽ có thể tự tay làm riêng cho họ một ổ bánh ngon lành.
Ẩm thực, Nhà hàng
Từ khi lên 10 tuổi, Andrea Nguyen đã ấp ủ giấc mơ trở thành thợ làm bánh mì. Kể từ đó, cả ngày cô gái nhỏ luôn say mê mày mò các công thức và nguyên liệu để tạo nên món ăn hấp dẫn này.
Theo Andrea, bánh mì ở miền nam cũng được chế biến đầy phóng khoáng như con người của họ vậy. Có nhiều thứ được thêm vào bánh mì như rau thơm, đồ chua, thịt gà, heo, hải sản và thậm chí là pa-tê. Người ăn chay dùng bánh mì với rau tươi hoặc có thể thêm đậu hũ.
“Bánh mì rất dễ ăn và rẻ tiền, nhưng vỏ bánh không phải được chế biến tùy tiện. Vỏ bánh phải giòn còn bên trong mềm. Điều đặc biệt của bánh mì là bạn có thể tùy biến, có thể thay nước tương sang nước sốt, lấy ngò ra nếu không thích, bạn còn có thể sử dụng món thịt thừa, tôm thừa tối qua để cho vào bánh mì, thật sự rất đơn giản nhưng hoàn toàn chất lượng. Bánh mì chính là một bữa tiệc trong miệng của bạn vậy”, nữ tác giả cho biết thêm.
Năm 1975, Andrea Nguyen cùng gia đình sang Mỹ định cư và họ thường tìm cách tận dụng những nguyên liệu tìm thấy ở đây để làm các món ăn quê hương. Họ mua bánh mì rẻ tiền từ cửa hàng của các gia đình nhập cư khác nhưng không vừa ý. Mẹ của Andrea nhiều lần ăn những ổ bánh mì này đều nói: “Đúng là tiền nào của nấy, tốt nhất mình tự làm bánh mì luôn vậy”.
40 năm sau đó, gia đình bà vẫn tự làm bánh mì để ăn. Sự khác biệt lớn nhất là những thành phần trước đây được xem là hiếm ở các cửa hàng nước Mỹ nay đã trở nên phổ biến như ngò, ớt, gừng, tương ớt… Bánh mì thậm chí còn xuất hiện trong thực đơn của nhà hàng và tạp chí ẩm thực.
Độ phổ biến và được yêu thích của bánh mì ngày càng rộng rãi ở Mỹ. Nhiều công ty thực phẩm cùng bắt tay vào bày bán món ăn độc đáo này.
Bánh mì Việt Nam nhìn chừng đơn giản nhưng lại "làm mưa làm gió" trên bản đồ ẩm thực thế giới.
Ảnh: Npr.
Quyển sách The Banhmi Handbook được đầu tư khá kỹ lưỡng.
Ảnh: Monicabhide.
Andrea Nguyen đang thực hiện làm món bánh mì.
Ảnh: Vietworldkitchen.
Theo NPR