Bánh xèo, bánh khọt, bánh cam, tai yến, xôi chiên, mè láo… được xem là những món dễ ăn, giá cả phải chăng, ngon miệng, được người Sài Gòn rất ưa thích.
Ẩm thực, Nhà hàng
Miền Tây Nam bộ được xem là xứ sở của rất nhiều món ăn giản dị nhưng lại mang một nét đặc trưng rất riêng. Ngoài những món được chế biến từ đặc sản vốn có của vùng sông nước, người dân nơi đây còn sáng tạo ra những món ăn vặt dân dã, dễ đi vào lòng người.
Những món bánh này có cùng một đặc điểm chung là làm từ bột, được chiên với dầu nên có mùi thơm và béo. Bánh còn có chung nguồn gốc từ miền Tây, nhưng qua năm tháng nó đã theo chân những người dân quê lên Sài Gòn và trở thành món ăn quen thuộc của người dân nơi đây.
Bánh xèo
Món ăn được làm từ các thành phần từ bột, tôm, thịt, giá đỗ… Sở dĩ món có tên gọi là bánh xèo vì được đổ trong bằng những chiếc chảo lớn và nghe một tiếng “xèo”. Nguyên liệu quan trọng nhất để làm bánh xèo chính là bột gạo. Gạo phải được vo sạch, ngâm mềm rồi xay mịn. Bột sau khi xay được pha với các thành phần khác như bia, nước cốt dừa, muối, bột nghệ… Bánh phải ăn khi còn nóng hổi mới ngon. Nước chấm đóng vai trò rất quan trọng khi thưởng thức món bánh này. Chén nước chấm phải pha làm sao để vừa có vị chua ngọt của nước mắm ngon, pha với chanh, ớt, tỏi, đường… cùng ít đồ chua hấp dẫn. Một rổ rau sống tươi ngon với xà lách, cải cay, tía tô, diếp cá, húng quế… kết hợp cùng bánh sẽ khiến cho món ăn thêm phần thú vị. Mỗi cái bánh có giá 15.000 đến 20.000 đồng.
Bánh khọt
Cái tên bánh khọt xuất phát từ âm thanh “khọt khọt” vang lên khi chảo bánh bắt đầu sôi mỡ. Khuôn đổ bánh phải bằng đất nung thì mới ngon, gạo để chế biến phải là loại gạo ngon, bột bánh gồm gạo xay bột ướt, gạo nấu thành cơm và làm bún để nguội rồi xay đặc. Bột sau khi xay, nêm các loại gia vị như muối, đường, bột ngọt cho vừa ăn. Đánh trứng gà trộn đều vào bột cho bánh có độ xốp. Nước cốt dừa quấy đều cho bột có độ béo. Thêm một ít bột nghệ để bánh có màu vàng đẹp. Hành lá băm nhỏ và tiêu xay nhuyễn quậy đều cho bột bánh thơm ngon. Nhân bánh thường là nhân tôm, loại tôm tươi, to vừa phải, bóc vỏ. Mỡ chiên dùng loại mỡ lợn đã phi hành cùng lá hẹ. Ngoài loại nhân mặn, còn có dạng bánh khọt nước cốt dừa thơm ngon và béo ngậy, mang đến sự phong phú đa dạng cho người thưởng thức. Mỗi đĩa bánh khọt có giá khoảng 20.000-25.000 đồng.
Bánh cam
Loại bánh này được làm từ bột nếp và bột gạo nên không ngán lại dẻo dai thơm ngon. Bột được nhồi dẻo, mềm để làm vỏ bánh, chia thành từng viên tròn nhỏ và nắn dẹt, cho nhân đậu xanh vào giữa rồi vo tròn lại, sau đó lăn qua vừng cho vừng bám đều bên ngoài rồi đem chiên. Sau khi chiên xong, bánh để nguội trước khi rưới lên bên ngoài một lớp mật. Mật khi rưới lên bánh sẽ có màu vàng óng, trong suốt và khô bề mặt. Chiếc bánh ngon có vỏ giòn, lớp mật bên ngoài không quá dẻo để dính sang các bánh khác. Bánh có màu vàng rượm, óng ánh của mật, khi cắn vào nghe tiếng lớp mật vỡ ra trước như tiếng kẹo gương, vỏ bánh giòn bên ngoài, mềm dẻo bên trong, cộng thêm cái bùi bùi của đậu xanh tạo nên hương vị khó quên. Mỗi bánh có giá 4.000 đồng.
Mè láo
Bánh mè láo được xem là một loại đặc sản của Sóc Trăng. Bánh này làm từ bột nếp, khoai môn, đường và mè. Khoai môn được người thợ làm bánh gọt vỏ rồi quết ra cho nhuyễn, sau đó đem đi phơi nắng vài ba ngày. Khi chiên bánh, người ta sẽ lăn từng miếng khoai môn vào bột nếp rồi mới cho vào chảo dầu sôi. Miếng bánh sẽ phình to ra do có chứa bột nếp. Người ta vớt bánh vừa chiên đem nhún vào nước đường, rồi rắc thật nhiều mè lên. Công đoạn làm bánh tới đây thì hoàn tất. Bánh bên ngoài cứng và giòn, bên trong xốp mềm, chỉ cần đưa một miếng vào miệng là đã cảm nhận ra ngay cái hương vị thơm và béo của mè và vị bùi bùi của khoai rất thú vị. Bánh có giá khoảng 4.000 đồng.
Xôi chiên
Xôi chiên được làm từ một loại nếp ngon, vo thật kỹ rồi cho vào nồi nấu. Khi xôi gần chín thì rưới nước dừa để xôi vừa mềm và thơm. Một bánh xôi đạt yêu cầu khi có màu trắng, hạt nếp tròn đều, mềm và dẻo… Bánh xôi khi chín được vớt ra để lên giá cho ráo dầu. Bên trong là lới nhân thịt được làm từ nấm mèo, củ sắn, thịt lợn băm nhỏ, trộn chung với nhau cùng các gia vị muối, đường, tiêu, củ hành… rồi đem xào chín. Bánh có màu vàng, giòn và thơm ngon đậm đà. Mỗi bánh xôi chiên có giá khoảng 3.500 đồng.
Tai yến
Bánh có nguồn gốc từ miền Tây, với hình dáng bên ngoài giống như tổ chim yến, với công thức chế biến khá đơn giản, nguyên liệu chủ yếu bao gồm đường, bột gạo, một ít bột năng, nước cốt dừa trộn chung và ủ khoảng 4 giờ. Từng thìa bột được cho vào chảo dầu nóng. Khi phần bột giữa chín phồng lên, viền bánh cong lại, rám vàng, bánh có hình chiếc nón úp ngược thì vớt ra, xếp bánh lên khăn giấy cho thấm bớt dầu, rồi bày ra đĩa. Loại bánh này được ăn ngay khi còn nóng để thưởng thức trọn vẹn vị giòn ngọt vốn có. Mỗi cái bánh chỉ 5.000 đồng.
Hà Lâm