Bạn sẽ bất ngờ khi biết ở Bến Tre có đến hàng trăm món ăn được chế biến từ dừa, món nào cũng ngon, lạ, thậm chí có cả món rất… rùng rợn.
Ẩm thực, Nhà hàng
Bánh canh nấu hến nước dừa
Bánh canh hến nấu nước dừa ở vùng chợ Lách (Bến Tre) nổi tiếng ngon vì sợi bánh canh dẻo, dai, trắng đục do không sử dụng hóa chất làm trắng. Bột làm bánh canh chủ yếu là bột gạo và bột năng, lấy một lượng bột vừa đủ, nhồi với nước nóng cho thật dẻo mịn, sau đó cán mỏng thành sợi. Hến mua về ngâm với nước gạo cho hết sạch cát, chà rửa thật kỹ mới luộc. Vớt ruột hến ra để riêng, nước luộc lắng cho trong.
Dừa chọn trái cùi (lõi) già và dầy, chặt để riêng nước, cùi xay nhỏ lọc bỏ bớt nước đầu, chỉ lấy nước dão, cho vào nồi cùng với nước hến luộc, nước dừa và một ít thịt hến nấu sôi. Phần thịt hến còn lại, phi thơm hành tỏi rồi xào săn, nêm chút gia vị cho vừa miệng ăn. Khi nồi nước hến và nước dừa đã sôi, thả bánh canh vào, nấu sôi, vớt bọt. Bánh canh chín sẽ tự nổi lên, trước khi tắt bếp múc một ít nước cốt dừa, hành lá, tiêu, nêm chút gia vị cho vừa ăn. Khi nêm gia vị không cần thêm bột ngọt, vì thịt hến, nước dừa đã ngọt rồi.
Múc bánh canh vào bát, sợi bánh trắng đục quyện với nước dừa ăn vào miệng mượt bóng nhai vị dai của bánh, ngọt của thịt hến thấm vào nơi đầu lưỡi.
Cơm dừa
Cơm dừa của người dân Bến Tre không khác nhiều với cơm lam của đồng bào Tây Bắc. Gạo dùng để nấu cơm phải chọn loại gạo dẻo, thơm, ngon được vo kỹ dưới vòi nước rồi để ráo. Dừa phải chọn loại trái ngọt nước, thường là dừa xiêm. Dừa xiêm để nguyên trái, dùng dao sắc gọt một đường tròn phía trên để lấy hết nước ra ngoài (giữ lại phần này để làm nắp đậy). Khi trái dừa đã được lấy hết nước, phần lõi giữ nguyên, cho một lượng gạo vừa đủ sao cho khi chín, cơm nở vừa đầy, tiếp theo rót nước dừa sâm sấp mặt gạo. Cho dừa vào trong nồi hấp khoảng một giờ.
Cơm dừa muốn ngon thì lượng nước và gạo phải vừa khéo, nếu ít quá cơm sẽ cứng, nhiều thì cơm nhão rất khó ăn. Vì thế nấu cơm dừa nếu là người làm quen tay thì chỉ cần thấy mùi thơm từ nồi hấp bay ra là biết cơm chín hay chưa mà không cần mở nắp. Cơm dừa nấu chín vẫn phải để trong nồi hấp nhằm giữ nóng, và hạt cơm không bị đổi màu vì thường cơm hay bị sậm màu khi mang ra ngoài không khí. Ăn cơm dừa phải ăn lúc còn nóng, kèm một đĩa tôm rang.
Bánh tráng dừa
Từ bột gạo và nước cốt dừa, người dân Mỹ Lồng (Bến Tre) đã tạo nên những chiếc bánh tráng với nhiều hương vị khác nhau. Gạo dùng để làm bánh tráng là loại gạo sỏi từ một giống lúa đặc biệt ở Trà Vinh. Theo kinh nghiệm của bà con Bến Tre, gạo sỏi chịu được sự khắc nghiệt của thời tiết khô hạn nên khi xay làm bánh mới không bị gãy hay bị co khi đem phơi nắng. Gạo làm bánh được vo kĩ và xay nhuyễn. Dừa thì chọn những trái già, cùi dày, chặt để nước riêng rồi lấy cùi xay nhỏ và vắt lấy nước cốt. Nếu làm bánh tráng mè thì nguyên liệu chỉ có bột gạo, nước cốt dừa, đường, mè. Còn bánh tráng sữa thì có thêm sữa, lòng đỏ trứng gà; bánh tráng mặn thì thêm lạp xưởng tôm khô; bánh tráng gừng thì thêm nước cốt gừng.
Bột bánh tráng pha đúng, đủ thì khi tráng bánh mới không bị dính khuôn, dễ dàng trong việc lật trở khi phơi khô. Người tráng bánh phải là người quen tay thì thành phẩm mới tròn và độ dày mỏng mới đều nhau. Bánh tráng xong được đặt trên những tấm đan làm từ lá dừa. Phơi bánh ngoài trời phải chú ý nếu nắng nhiều bánh sẽ bị giòn, dễ vỡ, ít nắng thì bánh bị chai sần đi. Bánh phơi đạt tiêu chuẩn là khi cầm lên tay thấy mịn, không có lỗ khí lồi lõm… Nướng bánh tráng cũng đòi hỏi người có kinh nghiệm. Khi than củi quạt thật hồng thì mới đặt bánh tráng lên nướng và phải lật trở đều nhanh tay vì bánh chóng chín và nhanh vàng. Chỉ cần chậm tay một chút là có thể bị cháy xém.
Ốc hấp nước dừa
Ốc gạo ở Cồn Phú Đa (Chợ Lách – Bến Tre) nổi tiếng thơm ngon vì đây là vùng cát, ốc to, vỏ màu xanh, ruột trắng, thịt dầy. Ốc gạo không có nhớt, nên khi vừa đánh bắt lên có thể chế biến món ăn mà không cần phải ngâm cho mất nhớt như các loài ốc khác.
Ốc gạo sinh sản nhiều vào khoảng tháng 7 hàng năm và sống ở vùng đáy sông, ăn phù sa, động vật phiêu sinh. Khi đó con ốc to cỡ hạt mít, ruột trắng tinh. Ốc gạo tuy nhỏ nhưng ai từng thưởng thức đều nhớ vì vị béo, thơm, ngọt và giòn đến lạ kỳ. Đặc biệt ốc vào mùa sinh sản thường có một lớp mỡ trắng dưới yếm, khều lên ăn sẽ thấy những con ốc con trắng tinh bên trong, nhai giòn rụm.
Ốc gạo có thể chế biền thành nhiều món như ốc gạo xào dừa, ốc gạo xào sả ớt, nấu lẩu mắm, hay thậm chí là đổ bánh xèo, trộn gỏi… ốc hấp nước dừa vẫn được yêu thích nhất bởi vị ngọt thanh của ốc còn được giữ nguyên.
Đuông dừa
Đuông là ấu trùng dạng sâu thường sống, đục phá phần mềm bên trong ngọn cây như: dừa, chà là, cau… nhưng nhiều nhất vẫn ở trên cây dừa, nên dân gian mới gọi là đuông dừa. Chỉ cần nhìn lên ngọn cây dừa là có thể biết có đuông hay không vì nếu có, cây sẽ bị héo rồi đổ gục xuống. Chặt ngọn cây, chẻ ra, bạn sẽ thấy những con đuông, gần giống nhộng tằm. Thường trên thân cây dừa bị phá có thể có hàng trăm con đuông.
Đuông có nhiều cách để ăn như chiên, rang, nướng, luộc, hấp, làm gỏi nhưng độc đáo nhất vẫn là ăn sống. Để con đuông còn sống lúc vừa mới bắt được từ trên ngọn cây, thả vào trong chén nước mắm, ăn để cảm nhận hết hương vị lạ miệng, ngọt, béo, bùi nơi đầu lưỡi.
Đuông chiên dầu được cho là rất ngon thơm. Chỉ việc thả đuông trong chảo dầu, đảo chín tái, rưới thêm chút nước mắm lên cho đậm đà. Ăn nóng, càng nhai càng thấy vị ngọt, béo, bùi. Ngoài ra có thể rang đuông giống như rang nhộng tằm, để nhâm nhi với ly rượu hoặc ăn với cơm trắng. Phi hành cho thơm, đảo đuông chín, nêm thêm gia vị muối, nước mắm cho vừa miệng.
Theo http://ngoisao.net