Mỗi nước lài có những quy tắc thưởng thức ẩm thực riêng trên bàn ăn. Những quy tắc đó làm nên nét đặc trưng riêng trong văn hóa ẩm thực mỗi nước. Hãy cùng tìm hiểu về những bản sắc đó nhé!
Ẩm thực, Nhà hàng
Việt Nam
Nhắc tới Việt Nam, các quy tắc khi thưởng thức ẩm thực trên bàn ăn cũng khá phức tạp. Bởi đây là đất nước tiếp thu nhiều nền văn hóa khác nhau. Có những món ăn vẫn phải cầm tay như gỏi, cuốn,…và có những món ăn phải dùng thìa, đũa, dao, nĩa, có những địa phương vẫn duy trì tục mời cơm theo thứ tự trên dưới như miền Bắc, có những nơi lại ăn uống thoải mái như miền Nam.
Nhưng người Việt cũng có những bản sắc riêng vốn có của mình. Nó thể hiện ở bát nước chấm. Trong mâm cơm của người Việt thì không thể thiết bát nước chấm. Bát nước chấm thường được đặt ở giữa mâm cơm thể hiện sự hội tụ. Đồng thời người Việt khác người phương Tây, tất cả người dùng bữa chấm chung một bát nước chấm.
Trên bàn ăn Việt Nam, nguồn tinh bột quan trọng nhất là cơm sẽ luôn được đặt đầu bàn, nơi người lớn tuổi nhất trong nhà vẫn ngồi (và thường là phụ nữ như bà hoặc mẹ), thể hiện dấu ấn rõ nét của chế độ mẫu hệ đặc trưng ở nước ta. Người Việt ưa chuyện trò và trao đổi về mọi thứ diễn ra trong ngày trên chính bàn ăn của mình. Tính chất cởi mở, phóng khoáng và nồng hậu của vùng văn minh lúa nước đều thể hiện rõ qua những bữa ăn giản dị ngày nào cũng có như vậy.
Trung Quốc
Văn hóa thưởng thức trên bàn ăn của Trung Quốc cũng không hề đơn giản chút nào. Ở Trung Quốc, bữa ăn luôn được chia ra thành nhiều hình thức khác nhau: điểm tâm (dimsum), tiệc trà, tiệc bàn tròn,… Tuy nhiên, các bữa ăn này vẫn chia sẻ với nhau một điểm chung đó chính là cách bày trí bát đĩa “Lazy Susan”, hay còn gọi là bàn xoay.
Khi dùng bữa, moi người chỉ cần xoay nhẹ là có thể thưởng thức bữa ăn ngon lành. Bên cạnh đó, việc thiết kế bàn ăn này đem đến sự tiện lợi cho những người dùng bữa .
Ngoài việc làm quen với bàn ăn tròn, khi tới Trung Quốc , bạn còn cần bỏ túi không ít những quy tắc ăn uống khác: Trừ món súp hoặc canh, các món ăn khác luôn luôn phải được ăn bằng đũa; tuyệt đối không hút thuốc trong bàn ăn; chỗ ngồi trong bữa ăn phải dựa vào sắp xếp của gia chủ, khách không được ngồi tùy tiện,…
Ấn Độ
Nhắc tới quy tắc ăn trong văn hóa ẩm thực của người Ấn Độ thì bạn sẽ khó quên bởi họ có thói quen ăn bốc. Quan niệm “vệ sinh” của người Ấn cũng khác hẳn chúng ta: Ăn bằng tay vẫn được coi là sạch sẽ, song cầm thức ăn bằng tay trái là điều cấm kị, bởi tay trái là đại diện cho “cái ác” gồm những yếu tố tiêu cực, xấu xa và nhơ bẩn, còn tay phải đại diện cho “cái thiện” với tính chất đúng đắn, công lý và cao khiết.
Người Ấn Độ không sử dụng đũa, dao, thìa để gắp thức ăn mà họ cầm đĩa bằng tay trái và bốc ăn bằng tay phải. Quy tắc này trong đất nước Ấn Độ khá nghiêm ngặt buộc những người có thói quen dùng tay trái cũng phải dùng tay phải, những món có dạng lỏng như cà ri họ cũng sẽ ăn bằng tay.
Thói quen này bị ảnh hưởng bởi tôn giáo chính là Phật giáo cùng Hồi giáo, người Ấn hình thành quan niệm sùng bái tự nhiên và cho rằng thức ăn – đồ uống do đấng tối cao trao cho – phải được đón lấy bằng tay trần, như một cách thể hiện sự thành kính. Bản thân những đất nước có nguồn gốc Hồi giáo như Indonesia cũng có tục ăn bốc này.
Hàn Quốc
Một trong những đặc điểm lớn nhất của văn hóa Hàn Quốc chính là phép tắc trên dưới. Người Hàn cực kì coi trọng thứ bậc trong xã hội.
Bữa ăn của người Hàn thường rất đa dạng về chủng loại: bữa ăn bao gồm các món hấp, món nướng, món xào, món khô, món nước,… Vì thế, bạn phải nhớ cách ăn đúng chuẩn cho từng loại, như thìa chỉ dành riêng để ăn cơm và đũa để ăn các món khác. Hãy chú ý tới việc cùng chia sẻ thức ăn với người khác thông qua những chiếc nồi lớn đặt giữa bàn, bởi người Hàn tin rằng việc san sẻ này sẽ giúp mọi người xích lại gần nhau hơn.
Như việc rót đồ uống, bạn phải tuân thủ các điều sau: Người ta thường chuyền tay nhau cùng thưởng thức chung một ly rượu, nếu ai đó đưa bạn ly rượu không, bạn cũng đừng ngạc nhiên mà phải chờ họ rót đầy lại cho bạn. Người trẻ tuổi luôn phải mời rượu người lớn tuổi trước, và khi người lớn tuổi chuyền ly cho người trẻ tuổi, họ phải nhận bằng hai tay và quay mặt đi chỗ khác để uống. Điều này được coi là phép lịch sự và lễ độ cơ bản nhất trong ăn uống ở Hàn.
Nhật Bản
So với các nước khác thì việc thưởng thức ẩm thực trên bàn ăn không quá cầu kỳ nhưng lại mang tính tỉ mỉ và thẩm mỹ cao. Vì thế nếu sang Nhật dùng bữa bạn cũng cần lưu ý nhé!
Bạn đừng ngạc nhiên nếu thức ăn trên đĩa thường rất ít, bởi người Nhật quan niệm không có gì là chính là phụ, mọi thứ đều tương liên và cân bằng với nhau. Do đó, không chỉ có món ăn đẹp mắt mà chính những họa tiết trang trí trên bát đĩa cũng phải được hiển lộ, bằng việc không để đầy thực phẩm lên trên.
Thứ hai, trong bữa ăn không thể quên lời mời “Itadakimasu” trước khi ăn và “Gochiso sama deshita” sau khi ăn (cả 2 đều mang ý nghĩa cảm ơn vì bữa ăn ngon). Thứ ba, người Nhật rất trọng “không gian riêng” trong bữa ăn. Mỗi người đều tự cầm bát và luôn hướng đũa về phía mình, không để bát hay tựa cùi chỏ lên bàn tức “không gian chung”.
Với món ăn “quốc hồn quốc túy” là sushi, danh sách những quy tắc cần phải nhớ lại càng dài thêm: Không gỡ nhân ra khỏi cơm, không chấm phần cơm vào xì dầu và wasabi mà chỉ chấm phần cá hoặc tôm. Thậm chí, ở một số nhà hàng sushi cao cấp, đầu bếp sẽ tự phết một lượng vừa đủ wasabi lên sushi cho bạn và bạn không được “tự ý” nêm nếm gì thêm sau đó.