Trong danh sách 15 thức cà phê ngon nhất thế giới do tạp chí du lịch Condé Nast Traveler (Mỹ) bình chọn, cà phê sữa đá của Việt Nam đã được xướng tên.
Ẩm thực, Nhà hàng
Tạp chí du lịch Condé Nast Traveler đã vừa đăng tải một bài giới thiệu về những tách cà phê ngon nhất thế giới và nơi để người ta có thể thưởng thức những tách cà phê tuyệt ngon đó, chi tiết ấn tượng nhất là cà phê sữa đá của Việt Nam đã góp mặt trong 15 tách cà phê ngon nhất thế giới theo đánh giá của tờ tạp chí du lịch nổi tiếng này.
Condé Nast Traveler cho rằng thói quen thưởng thức cà phê trong đời sống thường nhật đã tạo thành một nét văn hóa trên toàn thế giới, từ xưa đến nay, từ Đông sang Tây, từ thượng lưu cho tới bình dân, từ người bận rộn tới người nhàn tản, cà phê đã trở thành một thức đồ uống đa phong cách, có thể biến hóa linh hoạt để phù hợp với từng nền văn hóa, từng đối tượng thưởng thức.
Condé Nast Traveler đã khuyên độc giả của mình rằng từ giờ, khi có dịp ra nước ngoài, đừng vội tìm đến những chuỗi cửa hàng cà phê “sang chảnh” có thương hiệu nổi đình nổi đám trên khắp thế giới mà hãy tìm tới những tách cà phê mang đậm bản sắc văn hóa bản địa.
Cà phê sữa đá của Việt Nam
Cà phê đặc trưng của miền nhiệt đới này giờ đây không còn chỉ có ở riêng Việt Nam mà ngày càng trở nên phổ biến hơn tại những nước cũng có thời tiết nóng bức như mùa hè của Việt Nam. Hãy mua một bộ phin pha cà phê ở Việt Nam để khi bạn về nước, vẫn luôn có thể thưởng thức đúng vị cà phê sữa đá của nơi này – Condé Nast Traveler đã khuyên như vậy. Sau khi chờ giọt cà phê cuối cùng rơi xuống từ phin, người dùng có thể pha thêm sữa đặc và đá viên để giải khát trong ngày nóng.
Cà phê “flat white” của Úc
Cà phê “flat white” bắt đầu được người Úc sáng tạo ra từ thập niên 1980, một tách “flat white” có thể không khác biệt gì nhiều so với một tách latte hay cappuccino nhưng điểm đặc biệt tinh tế là ở liều lượng pha chế, lượng cà phê trong tách “flat white” nhiều hơn, vì vậy, vị espresso “thống trị” nhưng vẫn được nâng đỡ dịu ngọt nhờ sữa.
Espresso Romano của Ý
Đến Ý, hãy uống như người Ý, hãy gọi một tách espresso và uống thật nhanh. Mục đích là để uống hết tách cà phê trước khi lớp bọt nâu bao phủ trên bề mặt kịp tan biến mất. Lớp bọt này có vai trò quan trọng trong việc gia tăng hương vị cho tách cà phê. Để gọi cà phê espresso đúng theo kiểu Ý, đừng uống sau 11h trưa.
Cà phê phin kiểu Ấn Độ
Cà phê phin Ấn Độ là sự pha trộn của bọt sữa và cà phê được chế từ bột cà phê xay mịn chắt từ phin. Sau khi được chuẩn bị xong xuôi, cà phê phin của Ấn Độ phải được mang lên nóng hổi và thường phục vụ trong một chiếc bát sắt to nhằm giúp người uống có thể tạm cầm vào bát mà đưa cốc cà phê lên mũi “hít hà” cho khỏi bị bỏng tay, chờ cho tới khi cà phê bớt nóng, thì cầm vào cốc và uống từ từ từng ngụm nhỏ.
Cà phê rót từ bình kiểu Thụy Điển
Ở Thụy Điển, không chỉ chất lượng cà phê quan trọng mà cách uống cà phê cũng rất có ý nghĩa. Thói quen ngồi quây quần bên nhau để cùng thưởng thức ly cà phê nóng là một trong những nghi thức giao tiếp rất phổ biến của người dân Thụy Điển. Người ta thậm chí còn có một từ là “fika” để nói về khoảng thời gian ngồi nghỉ ngơi uống cà phê với bạn bè, người thân, đồng nghiệp… Trong văn hóa công sở của người Thụy Điển, người ta thường tự cho phép mình có ít nhất một lần nghỉ giải lao giữa giờ, thường là vào lúc 9h sáng và 3h chiều, khi đó các đồng nghiệp sẽ cùng rời bàn để dùng cà phê và bánh ngọt với nhau.
Café Cubano của Cuba
Cà phê Cubano của Cuba mang phong cách của một tách cà phê cổ điển kiểu Ý. Về cơ bản, đó là một tách espresso, chỉ có điều đường được trộn thẳng với bột cà phê từ trong lúc pha chế hoặc được cho vào rang với hạt cà phê cho tan chảy để tạo nên vị ngọt đắng. Nếu bạn cần dùng sữa thì có thể yêu cầu người phục vụ mang ra thêm.
Café au Lait của Pháp
Café au lait vừa có cái chung để dễ phổ biến, vừa có cái riêng để đủ khác biệt. Một tách café au lait chuẩn mực phải có một tách sữa nóng nhỏ đặt bên cạnh tách cà phê. Muốn có cái tinh tế “je ne sais quoi” (điều không tả được) kiểu Pháp? Hãy chấm chiếc bánh sừng bò chấm vào ly cà phê sáng.
Café Bombón của Tây Ban Nha
Café bombón bao gồm espresso và sữa đặc. Thoạt tiên, người ta rót cà phê vào cốc trước, rồi cho thêm sữa đặc vào một cách từ từ để sữa “nằm yên” dưới đáy cốc, tạo thành hai tầng màu tách biệt có thể quan sát rõ trong chiếc cốc thủy tinh (người Tây Ban Nha thích uống cà phê trong cốc thủy tinh), sau đó, người ta mới khuấy đều lên để thưởng thức.
Cà phê Mélange của Áo
Cà phê mélange cũng tương tự như một tách cappuccino, nhưng một tách kaiser-mélange thì khác biệt hẳn, nó bao gồm cà phê espresso dùng với hỗn hợp lòng đỏ trứng gà trộn mật ong và cho thêm một chút kem bông tuyết.
Cà phê Frappé của Hy Lạp
Cà phê frappé là một thức uống hỗn hợp được chế từ cà phê hòa tan, nước sôi, và đường. Đôi khi người Hy Lạp cũng uống frappé với sữa đặc. Thức uống này đặc biệt phổ biến trên các bãi biển của Hy Lạp. Khi uống frappé, người phục vụ sẽ hỏi bạn muốn dùng nhiều đường, vừa đường, ít đường hay không đường.
Café de Olla của Mexico
Phảng phất mùi hương quế và thêm hương của những viên đường mía, một tách café de olla vừa ngọt vừa nóng vừa thơm một mùi hương riêng biệt. Món café de olla thường được phục vụ trong những chiếc cốc đất nung màu đỏ.
Cafè Touba của Senegal
Cafè Touba được chế với hạt tiêu – một nét đặc trưng của cà phê Senegal (một quốc gia thuộc Tây Phi). Hương vị của cà phê Touba là vị ngọt và cay cùng hòa trộn trong tách.
Cà phê Pharisäer của Đức
Một tách Pharisäer kết hợp cà phê đặc, rượu rum, và kem bông tuyết. Người Đức thậm chí còn sáng tạo ra một truyền thuyết cho tách cà phê trứ danh của họ, rằng từ “ngày xửa ngày xưa”, trên hòn đảo Nordstrand ở miền bắc nước Đức, có một vị mục sư chủ trương bài rượu, có lần ông làm lễ rửa tội cho một đứa bé. Để vị mục sư không nhận ra có rượu được đem tới buổi lễ, người ta đã trộn rượu rum với cà phê và còn thêm một lớp kem bông tuyết phủ lên trên. Tuy vậy, vị mục sư vẫn phát hiện ra và quở mắng những người có mặt tại buổi lễ là “Pharisees” (những kẻ giả dối). Từ đó, người ta dùng luôn từ này để gọi tên thức cà phê trứ danh.
Cà phê Türk Kahvesi của Thổ Nhĩ Kỳ
Türk kahvesi là thức cà phê truyền thống của Thổ Nhĩ Kỳ, gồm cà phê và đường, ngoài ra, người ta còn cho thêm một chút thảo mộc có hương thơm vào trong bình “cezve” đặt trên lửa nhỏ. Khi nào bình cezve sôi liu riu thì đổ cà phê vào những chén nhỏ. Đây cũng là cách uống cà phê phổ biến ở nhiều nước Trung Đông khác.
Cà phê Ethiopia
Việc uống cà phê đối với người Ethiopia cầu kỳ tựa như nghi thức thưởng trà của người Nhật. Đối với người Ethiopia, một buổi đãi nhau cà phê là một dịp để giao lưu, trò chuyện và có thể khá dông dài. Cốc chén sẽ được đặt trên một chiếc khay lót đầy cỏ thơm, những hạt cà phê sẽ được rang rồi xay bằng tay. Sau đó, cà phê và nước nóng sẽ được chế vào một chiếc bình đất nung màu đen truyền thống gọi là “jebena”, đem đi đun sôi. Cà phê nóng hổi sẽ được rót vào từng chén. Thường người Ethiopia uống cà phê với đường hoặc muối và một chút đồ tráng miệng. Khi được mời tới dùng cà phê, khách phải ngồi lâu đủ để uống được ít nhất ba cốc rồi mới có thể đứng dậy ra về.